Lạm phát vẫn “làm khó” doanh nghiệp

Lạm phát năm 2011 đã chốt ở con số 18,13%, không bất ngờ, nhưng thuộc diện rất cao. Câu hỏi đặt ra là, mức lạm phát này có “làm khó” doanh nghiệp?
Thực ra, không khó để đưa ra câu trả lời. Cả năm qua, doanh nghiệp (DN) đã “vật vã” vì lạm phát, vì giá đầu vào tăng cao. Con số khoảng 10% DN phải giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2011 là minh chứng rõ nét cho điều đó.

Thậm chí, không chỉ DN than vãn, mà lãnh đạo các tỉnh cũng đã phải “kêu thay” cho DN của địa phương khi phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.
Các ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng; Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa… đều có câu nói giống nhau là: “DN đang rất khó khăn”.
Và không hề giấu giếm nỗi lo lắng của mình, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ quan ngại: “Năm 2011, với lãi suất và giá đầu vào tăng cao, nhiều DN nhỏ và vừa của tỉnh đã không chống đỡ được. Nếu tình trạng vẫn tiếp tục thì không hiểu DN sẽ xoay xở ra sao?”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thẳng thắn đề nghị, cần có lộ trình để giảm lãi suất cho vay, bởi với mức lãi suất như hiện nay, DN rất khó khăn và điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, việc làm và an sinh xã hội.
Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, mục tiêu của Ngân hàng là sẽ đưa lãi suất huy động về mức 10% trong năm 2012, song rõ ràng, nỗ lực này còn bị chi phối bởi diễn biến lạm phát. Năm 2011, những bình luận về việc lạm phát “làm khó” lãi suất đã không ít lần được đưa ra.
Thông điệp phát đi từ Chính phủ cho thấy, năm tới, mục tiêu hàng đầu vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhắc tới mục tiêu giữ lạm phát ở mức 9%. Tuy nhiên, diễn biến trong thực tế thế nào, thì còn phải chờ 12 tháng tiếp theo.
Tháng 12/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,53% so với tháng trước. Đây là mức tăng tương đối thấp so với mức tăng của các tháng 12 trong 5 năm trở lại đây.
Theo đó, ngoại trừ năm 2008 (năm có suy giảm kinh tế, CPI tháng 12 giảm 0,68% so với tháng trước đó), thì tháng 12 các năm từ năm 2005 trở lại đây lần lượt tăng 0,5%; 2,91%; 1,38% và 1,98%.
Con số này được cho là rất tích cực, phản ánh kết quả rõ nét của Nghị quyết 11/NQ-CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Xu hướng giảm tốc của CPI những tháng gần đây là cơ sở để kỳ vọng, lạm phát năm 2012 sẽ không quá căng thẳng.
Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, chưa thể vội chủ quan với lạm phát. Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định điều này. Còn Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, lạm phát cao “vẫn đang rình rập”.
Một chuyên gia tài chính – ngân hàng thì cho rằng, nếu như tốc độ tăng CPI trong những tháng đầu năm tới không ở mức dưới 1%, thì khó có thể hạ trần lãi suất huy động. Điều đó có nghĩa rằng, DN sẽ tiếp tục chịu lãi suất vay vốn rất cao.

Thực tế cho thấy, những tháng gần đây, DN đã dễ thở hơn với lãi suất ngân hàng. Nhưng một khảo sát mới công bố cho thấy, một số lượng lớn DN phải vay vốn với lãi suất trên 18% – mức lãi suất quá cao. Chính vậy, mối quan ngại lớn nhất của DN trong năm tới vẫn là khó tiếp cận vốn vay và lợi nhuận giảm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02383 514 686