Tiêu thụ xi măng cầm chừng – Nỗi lo của các doanh nghiệp

Như thường lệ, vào tháng 5, 6 hàng năm, tình hình tiêu thụ xi măng giảm so với các tháng trước đó. Nhưng năm nay, việc cắt giảm đầu tư công và tác động của kinh tế đã làm cho thị trường xi măng trầm lắng hơn rất nhiều. Một số doanh nghiệp sản xuất xi măng đã phải bán clinker để duy trì sản xuất hoặc tính đến xuất khẩu.
Tiêu thụ kém, doanh nghiêp lao đao
Nếu như tháng 4/2011 được xem là mùa cao điểm trong năm với sản lượng tiêu thụ xi măng (XM) ước đạt 4,6 triệu tấn, nâng sản lượng tiêu thụ 4 tháng đầu năm lên 16,2 triệu tấn, bằng 29,4% kế hoạch năm, thì tháng 5/2011, thị trường XM rơi vào tình trạng trầm lắng. Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, việc sụt giảm tiêu thụ do một số nguyên nhân, tháng 5 bắt đầu mùa mưa cùng với cắt giảm đầu tư công đã tác động đến thị trường tiêu thụ XM toàn xã hội. Lãnh đạo một số doanh nghiệp như XM Tam Điệp, Bút Sơn… cho biết, nằm trong khu vực dày đặc các nhà máy XM thì việc tiêu thụ của công ty càng khó khăn thêm.

Trong điều kiện cung đã vượt cầu, thị trường trầm lắng thì giá bán cũng là yếu tố lớn của cạnh tranh. Nhiều nhà sản xuất đã chọn giải pháp tăng khuyến mại nhưng không làm thay đổi tình hình tiêu thụ, một số nhà sản xuất đã bán clinker chứ không gia công tiếp để bán XM. Bởi clinker còn có khả năng tiêu thụ được, đây chỉ là phương án duy trì sản xuất. Ông Lê Văn Chung – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) – doanh nghiệp sản xuất XM số 1 Việt Nam cho biết: “chắc chắn VICEM sẽ tìm biện pháp bán hàng chứ không thể giảm giá, hay bán clinker được, bởi với mức giá bán hiện tại cũng đang là một cố gắng lớn, VICEM không thể lỗ hơn nữa.” Mặc dù gặp khó khăn, giá bán cũng khá cao so với mặt bằng giá chung, nhưng tiêu thụ của VICEM dù có chững lại cũng chưa đến mức báo động.

Sau VICEM, hàng loạt các nhà sản xuất khác như Nghi Sơn, Holcim, Chinfon… tiêu thụ cũng không mấy khó khăn. Đơn cử như XM Nghi Sơn đã làm rất tốt công tác thị trường với việc đầu tư tàu vận chuyển, kho, bãi, mức giá thuộc loại cao trên thị trường nhưng tiêu thụ vẫn ổn định.

Đại đa số các nhà sản xuất có lượng tiêu thụ mạnh trong khối dân sinh như Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Hà Tiên hay như tân binh Vinacomin có thị trường miền núi phía Bắc vững chắc đều cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là mùa mưa và một phần do cắt giảm đầu tư công, còn lượng tiêu thụ trong dân vẫn ổn định. Như vậy, một số thương hiệu XM khác, đặc biệt là các dự án mới đi vào hoạt động thì tiêu thụ quả là bài toán nan giải.

Tìm hướng đi mới

Tuy tiêu thụ chững lại trong tháng 5/2011 khiến các nhà sản xuất nhìn thấy rõ nguy cơ “ế hàng” nhưng cũng xuất phát từ khó khăn đó mà các nhà sản xuất tìm kiếm thêm thị trường ở những địa bàn mới, thường là những địa bàn xa nhà máy, vận chuyển khó khăn. Biết vậy nhưng không thể không làm, bởi chấp nhận cạnh tranh trong địa bàn mới còn khả quan hơn tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Đối với ngành XM, mở rộng thị trường đi cùng với việc ngay lập tức phải tiêu thụ sản phẩm. Vào được thị trường, ngoài chất lượng sản phẩm còn có giá cạnh tranh, cơ chế bán hàng linh hoạt, cơ chế này đôi khi còn có cả “cho nợ” tiền trong một thời gian nhất định. Cho nợ là vì “cực chẳng đã” nhưng trong bối cảnh này thì dường như đó là lối thoát khả quan nhất, bởi một số dự án mới đầu tư hoặc đang trong giai đoạn trả nợ, việc giãn, hoãn nợ là cái phao cứu sinh cho họ.

Việc thị trường XM trầm lắng đây không phải lần đầu, nhưng cũng đã làm cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có qui mô nhỏ gặp không ít khó khăn. Để giải quyết tình hình này, nên chăng Nhà nước cần có cơ chế để tạo cú huých trong tiêu thụ cho các doanh nghiệp sản xuất XM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02383 514 527