Tín dụng phi chính thức: “Quả đắng” với DN

Khó vay vốn NH, DN đăng quảng cáo trên mạng tìm đối tác cho vay, nhiều DN phải trả phí môi giới từ 5%-10%/tổng số tiền vay và lập tức bị trừ ngay khi nhận tiền.
 Ngay từ đầu năm, các ngân hàng thương mại (NH) đã dự báo thị trường tài chính tiền tệ năm 2011 sẽ có diễn biến khó lường, họ đã đề ra nhiều giải pháp về tín dụng mà mấu chốt là tái cơ cấu nền khách hàng.

Một NHTM nhà nước đã yêu cầu hệ thống giảm dần dư nợ cho vay Cty nhà nước có tình hình tài chính khó khăn hoặc thuộc các lĩnh vực phải kiểm soát, giảm tốc độc tăng trưởng tín dụng cho khu vực phi sản xuất và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro do chính sách tiền tệ và tài khóa của Nhà nước như cho vay, bảo lãnh thi công xây lắp…

Nhóm khách hàng được ưu tiên dành cho nguồn vốn là khách hàng truyền thống, khách hàng xếp nhóm A trở lên, quan hệ khép kín với NH thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, các chương trình, mục tiêu trọng điểm của Nhà nước.

Với nguyên tắc chỉ tăng tín dụng khi huy động được nguồn vốn phù hợp thì gần như 100% các NH khó khăn về nguồn vốn trong 6 tháng đầu năm 2011 (đến cuối tháng 5, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng khoảng +1,74%, trong khi dư nợ cho vay tăng 6,92%). Vì vậy, những khách hàng ngoài nhóm ưu tiên trên rất khó/hoặc không thể tiếp cận nguồn vốn NH.

“Quả đắng” với DN

Hiện tại rất nhiều DN đang khẩn thiết tìm kiếm vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Qua theo dõi thì thấy cần vốn nhất hiện nay là các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hạ tầng kỹ thuật cho các khu đô thị, resort; tiếp đến là nhu cầu đầu tư thiết bị máy móc cho các dự án nhà máy, dây chuyền sản xuất mới; công nghiệp chế biến cũng là lĩnh vực đang rất cần vốn.

Nhu cầu vay của các DN thường từ 500 triệu đến trên 400 tỉ đồng. DN đăng quảng cáo qua mạng với hy vọng huy động các nguồn tiền nhàn rỗi hoặc chào mời các cá nhân thay vì gửi NH lợi nhuận thấp thì cho DN vay để cùng đầu tư chia lợi nhuận.

Không biết tỉ lệ thành công của các quảng cáo vay vốn DN đến đâu, nhưng chắc chắn nếu vay được họ cũng phải trả với lãi suất cao hơn nhiều so với vay NH. Đó là chưa kể để vay được vốn, nhiều DN phải trả phí môi giới từ 5%-10%/tổng số tiền vay và lập tức phải bị trừ ngay khi nhận khoản tiền vay đầu tiên. Nói chung là đã phải vay vốn từ thị trường tín dụng không chính thức là “rất đắng” với DN.

Ai có vốn cho DN vay trên thị trường tự do?

Cho đến bây giờ, chưa có thông tin chính thức về quy mô thị trường tín dụng phi chính thức ở VN. Và chắc chắn cũng rất khó vì đây là quan hệ thỏa thuận trong dân sự và ít nhiều các bên tham gia đều ý thức được rủi ro nếu công khai thông tin hoặc đưa nhau ra pháp luật.

Cá nhân có vốn đến chục tỉ cho vay là rất ít, nguồn vốn vài chục tỉ trở lên đa phần là của một tổ chức nào đó. Trên thị trường vẫn có tin đồn về nguồn vốn từ các tổ chức tài chính trung gian chảy ra thị trường tín dụng phi chính thức thông qua các CTCK là Cty con của NHTM, qua hoạt động ủy thác và nhận ủy thác, cho vay chéo nhau thông qua các Cty con của các NHTM, qua cho vay tiêu dùng (dưới danh nghĩa nhân viên) của các Cty tài chính…

Có chuyên gia tài chính nói rằng, hiện tượng tiền gửi của tổ chức kinh tế bằng VND trong những tháng đầu năm giảm gần 150 nghìn tỉ đồng ngoài việc DN tận dụng vốn tự có để đầu tư, sản xuất – kinh doanh không loại trừ một phần trong đó là rút về cho vay để kiếm lời.

Điều gì sẽ xảy ra khi tín dụng phi chính thức cũng nổ bong bóng?

Việc cho vay trực tiếp không thông qua kênh tín dụng chính thức là vô cùng rủi ro vì tổ chức/cá nhân cho vay không có điều kiện thẩm định dự án và thông tin cá nhân của người vay.

Bên cạnh đó, dù hợp thức hóa các hợp đồng vay dưới hình thức nào đi chăng nữa thì khi có rắc rối trong quan hệ vay – trả, người ta cũng thấy có dấu vết của sự vi phạm các quy định pháp luật về chủ thể cho vay hoặc lãi suất. Để đảm bảo thu nợ, có tổ chức cho vay đòi khách hàng vay phải có bảo lãnh của NH, nhưng điều này gần như không thể thực hiện được.

Với mức LS vay cao như hiện nay, DN nếu không vì những nhu cầu chẳng đừng được như: Thanh toán L/C, duy trì việc làm trả lương cho nhân công, đáo hạn NH, trả công nợ… thì gần như chẳng DN nào vay mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì vậy, lợi nhuận từ khoản vay để trả nợ là không có, rủi ro chậm trả hoặc mất khả năng trả nợ rất cao.

Quy mô thị trường tín dụng phi chính thức càng lớn thì những tác động tiêu cực khi bóng bóng vỡ càng nặng nề. Không chỉ hậu quả đối với kinh tế-xã hội, người cho vay mà ngay thị trường tài chính tiền tệ chính thức cũng bị lôi theo, vì cũng chưa ai biết được có bao nhiêu vốn từ các định chế tài chính đang chảy sang thị trường phi chính thức thông qua việc khách hàng vay được NH, lấy tiền đó đi cho vay lãi, qua hoạt động cho vay/nhận ủy thác giữa các định chế tài chính với các quỹ và Cty tài chính khác… Chỉ cần nhìn hậu quả của một vụ vỡ hụi ở từng địa phương thì có thể hình dung những hậu quả của sự nổ bong bóng của quy mô thị trường rộng hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02383 514 527