Vẫn dè chừng rủi ro tỷ giá

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB dự báo rằng tỷ giá USD/VND trong 6 tháng cuối năm sẽ vẫn tăng. Tuy nhiên, diễn biến sẽ khác với hai năm vừa qua.
Các sản phẩm phái sinh góp phần giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch kinh doanh, kiểm soát chi phí tài chính.

Tỷ trọng các giao dịch ngoại hối sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá hiện quá thấp, trong khi thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều biến động trong tương lai.

Tìm hiểu tại một số ngân hàng thương mại, thời điểm này rất ít doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Tỷ giá USD/VND đang có xu hướng ổn định là một lý do. Còn theo cán bộ ngoại hối của ngân hàng, thường thì chỉ khi xẩy ra những cú sốc lớn nhu cầu mới được thúc đẩy.

Năm 2010, tỷ giá USD/VND có gần 7 tháng liên tiếp yên bình. Đùng một cái, nửa cuối năm cho đến đầu 2011, thị trường ngoại hối căng thẳng khi tỷ giá liên tiếp leo thang, rủi ro hiện hữu. Và lúc này, liệu sự dễ chịu kéo dài hơn hai tháng qua có ru ngủ những ý thức phòng ngừa?

“Luôn có áp lực tăng tỷ giá”

Tại một hội thảo mới đây, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc Tế (VIB) dự báo rằng tỷ giá USD/VND trong 6 tháng cuối năm sẽ vẫn tăng, dù VND đã lên giá khoảng 2% so với USD từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, diễn biến sẽ khác với hai năm vừa qua, thị trường ngoại hối sẽ hạn chế những cú sốc lớn và vận động lành mạnh hơn.

Điểm mà ông Trung nhấn mạnh là yếu tố đầu cơ trên thị trường đã được hạn chế nhiều, đặc biệt là trên thị trường tự do và từ tác động của thị trường vàng, sau loạt giải pháp của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng đại diện VIB cũng nhận định rằng, cầu ngoại tệ luôn cao hơn cung, áp lực tăng tỷ giá trên thị trường là luôn có.

Liên tiếp từ đầu năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước triển khai loạt chính sách tập trung cho yêu cầu bình ổn thị trường ngoại hối; từ các biện pháp kỹ thuật như tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, thu hẹp biên độ, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạn chế tín dụng ngoại tệ, nâng giá trị VND qua cơ chế lãi suất…, cho đến các biện pháp hành chính can thiệp mạnh như kết hối, áp và ép trần lãi suất huy động USD.

Rốn hút ngoại tệ là nhập siêu triền miên những năm qua, và xu hướng gia tăng đang thể hiện, vẫn chưa được lấp đầy.

Phía sau loạt giải pháp đó, Ngân hàng Nhà nước đã ép ra nguồn cung (khác với tạo ra) từ trạng thái găm giữ trước đó trong dân cư và doanh nghiệp; cũng như tạo một tiền lệ kích thích, hoặc buộc phải tính toán, chuyển đổi các nguồn thu ngoại tệ trong tương lai – được xem là một phần thúc đẩy các quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán trên thị trường ngoại hối.

Trong những thảo luận của bạn đọc VnEconomy gần đây, một số ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang “vắt kiệt” nguồn ngoại tệ trong dân cư; hay một nguồn để dành trong dân cư, trong doanh nghiệp, đang được đưa ra để đảm bảo cho sự ổn định của tỷ giá hiện tại. Trong khi đó, rốn hút ngoại tệ là nhập siêu triền miên những năm qua, và xu hướng gia tăng đang thể hiện, vẫn chưa được lấp đầy.

Dĩ nhiên, đi cùng với các giải pháp ép cung nói trên, những ngày qua dữ trữ ngoại hối đã và đang được cải thiện. Tham khảo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố đầu tháng này, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cuối tháng 5/2011 đạt khoảng 13,5 tỷ USD. Đó là một sự tích lũy cần thiết sau khi đã sụt giảm rất nhanh và mạnh từ năm 2008 cho đến đầu năm 2011.

Nhưng theo Ngân hàng Thế giới (WB), con số cần thiết là đảm bảo được 2,5 tháng nhập khẩu, tức gần 21 tỷ USD tính theo bình quân tuần nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2011.

Còn trước mắt, với xu hướng nhập siêu đang gia tăng, thử thách đối với sự ổn định của tỷ giá USD/VND là mùa cao điểm thanh toán cuối năm. Cầu ngoại tệ trả nợ từ hoạt động vay ngoại tệ tăng mạnh từ đầu năm đến nay cũng là một yếu tố cần chú ý. Nếu căng thẳng cung – cầu xẩy ra, “quỹ” dự trữ ngoại hối có thể lại phải chia sẻ.

Lặng gió mới thắp đèn?

Áp lực tăng tỷ giá vẫn còn, rủi ro tỷ giá trong tương lai khó loại trừ, nhưng phần lớn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn chưa mặn mà với các công cụ phòng ngừa.

Tham khảo tại Ngân hàng Quân đội (MB), bà Đỗ Thị Minh Hạnh, Trưởng phòng phát triển sản phẩm khối Treasury, ước tính: tại thị trường phía Nam, trong các giao dịch ngoại hối của doanh nghiệp với MB chỉ có 20% sử dụng các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá; tại phía Bắc, thấp hơn, chỉ khoảng 10%.

Theo phân tích của bà Hạnh, có những trở ngại để giải thích cho một tỷ trọng quá thấp như vậy, như phí giao dịch, hiểu biết của các doanh nghiệp đối với sản phẩm, chế độ kế toán và sự phiền phức liên quan, sự e ngại nhất định về trách nhiệm đối với kết quả giao dịch…

“Thực ra rào cản về phí không quá lớn, thậm chí các sản phẩm như giao dịch kỳ hạn, hoán đổi hiện không mất phí. Các doanh nghiệp cũng đều có ý thức về giá trị của các công cụ phòng ngừa. Nhưng một trở ngại chính là các quy định pháp lý hiện chưa bao được hết những phát sinh trong thực tế triển khai của các ngân hàng thương mại”, bà Hạnh cho biết.

Tại hội thảo tư vấn do VIB tổ chức mới đây, một số doanh nghiệp yêu cầu sản phẩm phòng ngừa rủi ro liên quan đến đồng Nhân dân tệ, hay quyền chọn cho cặp tỷ giá USD/VND.

Đại diện VIB giải thích rằng, có những trường hợp cả ngân hàng với doanh nghiệp phải làm đơn xin phép cụ thể tới Ngân hàng Nhà nước; hay với sản phẩm quyền chọn (Option) liên quan đến VND hiện không được phép…

Cũng như các sản phẩm phái sinh khác, sản phẩm quyền chọn với cặp USD/VND theo cán bộ chuyên trách của MB là rất cần cho thị trường, cần cho doanh nghiệp đề phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong tương lai.

Với sản phẩm này, nhà xuất nhập khẩu hoàn toàn chủ động được quyền mua – bán, khối lượng và tỷ giá giao dịch dù thị trường có nhiều biến động. Giá trị chủ động đó là rất cần trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch kinh doanh, kiểm soát chi phí tài chính, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu có nhiều dòng vốn vào ra.

“Bản chất của sản phẩm này là không sai, là công cụ hữu ích cho doanh nghiệp. Nhưng việc triển khai nghiệp vụ Option tiền đồng những năm gần đây thực tế phát sinh là có sự khác biệt giữa tỷ giá niêm yết theo quy định và tỷ giá giao dịch. Có thể Ngân hàng Nhà nước dự phòng khả năng sản phẩm bị lợi dụng và khó kiểm soát nên hiện vẫn chưa cho phép triển khai”, bà Đỗ Thị Minh Hạnh suy đoán.

Mới đây, triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các chủ trương cụ thể. Trong đó có định hướng cho phép sử dụng một số công cụ phái sinh nhằm góp phần điều hành tỷ giá linh hoạt, hỗ trợ cho thực thi chính sách tiền tệ chủ động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngân hàng chủ động cân đối và phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có một hướng dẫn bổ sung hay cơ chế mới nào được đưa ra, đặc biệt là đối với sản phẩm quyền chọn áp cho cặp USD/VND. Phải chăng, khi các điều kiện pháp lý chưa đủ để che chắn được các ngọn gió phát sinh từ thị trường, ngọn đèn mới vẫn chưa được thắp?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02383 514 527