Tạm hoãn, giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng

Trước thực trạng lượng xi măng tồn kho lớn, tiêu thụ kém, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ này sẽ làm việc với một số chủ đầu tư dự án xi măng đề nghị tạm hoãn, giãn tiến độ các dự án đầu tư mới.
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố với nội dung liên quan đến việc cấp phép đầu tư các dự án xi măng mới. Liệu đây có phải là động thái yêu cầu tạm hoãn, giãn tiến độ dự án như ông đã đề cập?

Đúng vậy. Tại Quyết định 1488/QĐ-TTg, ngày 29/8/2011 phê duyệt Quy hoạch Phát triển xi măng Việt Nam 2011-2020, định hướng năm 2030, khoản 12, điều 2 đã quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố “khi chấp thuận dự án đầu tư xi măng mới tại địa phương, phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Xây dựng)”. Để quán triệt điều này và tránh để xảy ra tình trạng có địa phương đã cấp phép dự án xi măng mới, cho dù nằm trong danh mục Quy hoạch, nhưng chưa có ý kiến của Bộ Xây dựng, nên Bộ đã có công văn “nhắc nhở” lại các địa phương nghiêm túc thực hiện Quy hoạch Phát triển ngành giai đoạn 2011-2020.
Năng lực sản xuất của ngành xi măng thực tế đang lớn hơn nhiều so với nhu cầu tiêu dùng, khiến lượng xi măng tồn kho lớn… Đây có phải do việc lập quy hoạch phát triển ngành chưa chính xác?
Với vai trò là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng và đảm nhận khâu lập quy hoạch phát triển xi măng các giai đoạn, tôi xin khẳng định ngay là không có chuyện chưa chính xác.
Quy hoạch phát triển ngành được lập căn cứ vào 3 cơ sở, gồm: tăng trưởng đầu tư xây dựng toàn xã hội; dựa vào tăng trưởng, phát triển ngành xi măng từng giai đoạn và cuối cùng là dựa vào kinh nghiệm các nước trong khu vực. Hơn nữa, quy hoạch phát triển xi măng phải làm dài hơi, không thể ngắn hạn được. Một dự án xi măng khi chuẩn bị đầu tư, bắt tay vào thực hiện phải mất 5 năm, chứ không thể 1 – 2 năm là ra sản phẩm ngay được.
Mức tăng trưởng tiêu thụ xi măng được dự báo căn cứ vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước. Trước thực tế cắt giảm đầu tư công, Bộ Xây dựng có những điều chỉnh cụ thể nào cho năm 2012 và giai đoạn tiếp theo?
Như tôi đã nói, trong năm 2012, ngoài việc đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc khoản 12, Điều 2 của Quyết định 1488/QĐ-TTg, thì động thái đầu tiên, với vai trò được giao, Bộ Xây dựng sẽ làm việc với các chủ đầu tư để tạm dừng đầu tư các dự án mới. Trong điều kiện những doanh nghiệp chưa đăng ký hợp đồng, chưa mở L/C thì có thể hoãn, giãn tiến độ.
Hầu hết doanh nghiệp xi măng đều phải sử dụng nhiều vốn vay, trong khi dự báo tiêu thụ xi măng năm 2012 còn ảm đạm. Theo ông, liệu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp bị phá sản?
Dù chưa tuyên bố phá sản nhưng năm 2011, Nhà máy Xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) đã phải dừng hoạt động sản xuất do tình hình tài chính xấu, nợ lương công nhân… Nguồn cung từ một số dây chuyền xi măng lò đứng cũ cũng đã giảm từ 3,7 triệu tấn xuống còn 2 triệu tấn. Thực tế này cho thấy, nhiều dây chuyền xi măng lò đứng đã không thể duy trì được sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động không có lãi do chi phí tài chính quá cao, do phải vay đến 80% tổng nguồn vốn đầu tư, ngốn hết lợi nhuận. Tôi cho rằng, năm 2012, nếu không cầm cự được, thì danh sách doanh nghiệp xi măng phải dừng hoạt động sẽ tăng lên.
                                                    Theo Báo đầu tư điện tử

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02383 514 527