Lãi vay “nuốt” lợi nhuận doanh nghiệp

Hàng loạt doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau đều đau đầu vì thua lỗ. Nguyên nhân đều do doanh nghiệp thiếu vốn, phải chịu lãi suất cao từ ngân hàng và giá nguyên liệu gia tăng.
Tổng kết danh sách các công ty đã công bố kết quả kinh doanh trên Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), một đại diện của HoSE buồn bã: “Doanh nghiệp làm ăn xấu như thế này thì Vn – Index mất 15% so với một năm trước đây cũng là đúng”.
Tràn lan thua lỗ
Trong 60 doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh trên HoSE, có rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ suốt 9 tháng đầu năm chứ không chỉ riêng quý III. Nhiều nhất là các công ty bất động sản với lợi nhuận không khả quan. Công ty cổ phần Đệ Tam (TP HCM) có doanh thu quý III cao hơn so với năm 2010, nhưng kết quả lợi nhuận lại thấp hơn, chỉ khoảng 8,68% so với năm ngoái. Một công ty khác “có tiếng” trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản là Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) cũng thuộc diện tương tự. Doanh thu thuần quý III của HBC đạt 708,7 tỷ đồng, tăng 81,7% và lũy kế 9 tháng cũng đạt 2.017,6 tỷ đồng, tăng hơn 86%, nhưng lợi nhuận thuần quý 3 chỉ hơn 34 tỷ đồng, giảm đến 16,3% và lũy kế 9 tháng giảm gần 7% so với năm 2010.
Không chỉ bất động sản khó vì thị trường này đìu hiu suốt thời gian dài mà cả các ngành nghề khác cũng “âm” lợi nhuận. Công ty CP Doximexco, một công ty chuyên xuất nhập khẩu các sản phẩm nội thương như nông nghiệp, thủy sản… lợi nhuận trong quý III cũng đã “âm” gần 11 tỷ đồng. Còn những doanh nghiệp may mắn không không thua lỗ cũng công bố cắt giảm lợi nhuận so với kế hoạch đã định. Tập đoàn Đại Dương cắt giảm hơn 50% lợi nhuận so với kế hoạch năm, từ mục tiêu 825 tỷ đồng xuống chỉ còn 380 tỷ đồng. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp TP HCM, cho biết: “Sản xuất kinh doanh năm nay quá khó khăn nên số lượng doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả tăng nhanh, may ra chỉ 30% doanh nghiệp của TP HCM có lợi nhuận tốt trong năm nay”.
Khốn khổ lãi vay
Trong hầu hết biên bản giải trình về lợi nhuận giảm hoặc âm, có hai nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp lỗ là do phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao và giá vốn tăng cao vì giá nguyên liệu tăng cao. Chẳng hạn, Doximexco cho biết, ngoài doanh thu giảm, việc tỷ suất giá vốn hàng bán trên doanh số năm nay tăng đến 97% và chi phí lãi vay trong quý 3 phải trả hơn 19 tỷ đồng, tăng hơn 7 tỷ đồng so với năm 2010 do lãi suất ngân hàng tăng cao nên doanh nghiệp này lỗ đậm. Trong khi đó, HBC cũng cho biết, chi phí lãi vay quý III của đơn vị này lên đến gần 35 tỷ đồng, tăng khoảng 228% nên “lợi nhuận vì thế đã giảm mạnh”.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thừa nhận: “Các doanh nghiệp khó sẽ càng khó hơn khi vốn phải đi vay. Lãi suất quá cao nên đơn vị nào có vốn sẵn là một lợi thế vì đã “bớt được” 20% lợi nhuận từ vốn”. Cũng theo ông Kiêm, do lãi suất tăng cao nên những doanh nghiệp có vốn cũng coi gửi ngân hàng là một kênh để tìm kiếm lợi nhuận. Ông Lê Chí Trị, Tổng giám đốc Công ty Việt Úc, cho biết, đơn vị này cũng chia vốn ra nhiều kênh để kinh doanh, trong đó có cả kênh gửi ngân hàng. “Nếu lãi suất cứ ngất ngưởng thế này thì nhiều doanh nghiệp thua lỗ là chuyện thường vì chi phí vốn quá cao”, ông Trị nhận xét.
Giảm 30% thuế chưa “chạm đến” doanh nghiệp khó
Nhiều doanh nghiệp tại TP HCM cho biết, việc Chính chủ quyết định miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo Nghị định 109 mới được ban hành đã chưa đủ… hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp “gặp khó”. Bởi phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay trong tình trạng thua lỗ hoặc “hẻo” lợi nhuận nên “lấy đâu ra thu nhập” mà… giảm thuế.
Nghị định 109 ban hành cuối tuần trước với nhiều nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, như các doanh nghiệp vừa và nhỏ được giảm 30% thuế TNDN năm 2011 (trừ số thuế tính trên thu nhập từ kinh doanh sổ xố, bất động sản, tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước); giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế TNCN, TNDN với hoạt động kinh doanh nhà trọ, trông giữ trẻ, cung ứng suất ăn công nghiệp từ 1/7 đến hết năm 2011, với điều kiện các đơn vị này giữ ổn định giá đã thực hiện từ tháng 12/2010. (Mỹ Dung).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02383 514 686